"Đừng cố thay đổi đứa trẻ tự kỷ mà hãy học cách chấp nhận chúng"
Một người mẹ ở Trung Quốc đã kiên trì nuôi dạy cậu con trai mắc bệnh tự kỷ của mình trong suốt 20 năm qua.
Cô Giả Thục Mai ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã dành 20 năm để chăm sóc đứa con trai mắc chứng tự kỷ của mình. Trong 20 năm qua, cô và con đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng may mắn thay, với sự đồng hành của cô, con trai cô đã dần khỏe mạnh, đồng thời còn có năng khiếu về âm nhạc và có thể tự lo cho bản thân.
Đưa con trai tự kỷ đi học nhiều loại nhạc cụ
Khi cô Giả Thục Mai 27 tuổi, cô đã sinh được một bé trai và đặt tên là Trạch Thụy. Sự ra đời của cậu bé đã mang lại rất nhiều niềm vui tới cho gia đình. Tuy nhiên, khi con trai cô được 2 tuổi, cô Mai phát hiện ra rằng con trai cô không bao giờ nhìn thẳng vào mắt với người khác khi nói chuyện và luôn chìm đắm trong thế giới riêng của mình.
Cảm thấy có gì đó không ổn, cô đưa con đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán rằng con trai cô đã mắc chứng tự kỷ.
Cô Mai nhớ lại: "Bác sĩ nói y học khi ấy chưa giải thích được nguyên nhân của căn bệnh này và cũng không có cách chữa trị, sau này người bệnh sẽ không thể tự chăm sóc bản thân và cần có người ở bên tới cuối đời".
Lúc đó cô cảm thấy trời đất như đang sụp đổ trước mắt, nhưng sau khi bình tĩnh lại và nhìn đứa con trai đáng yêu của mình, là một người mẹ, cô thấy rằng bản thân không được bỏ cuộc, cô phải cố gắng hết sức để dạy dỗ con trai mình nên người.
Khi Trạch Thụy tròn 7 tuổi, cô Mai phát hiện ra rằng con mình rất thích âm nhạc, bởi vì bất cứ khi nào con trai cô cáu gắt, chỉ cần nghe thấy tiếng nhạc thì cậu bé sẽ bình tĩnh lại. Vì vậy, cô bắt đầu đưa con đi học đàn piano.
Ban đầu mọi chuyện không suôn sẻ vì con trai cô không trò chuyện với các bạn khác, không dám nhìn vào mắt cô giáo, và mắc chứng tăng động giảm chú ý nên cô luôn phải an ủi con. Sau một thời gian dài nỗ lực, cậu bé đã được nhận vào lớp và theo kịp các bạn.
Vào năm con trai cô 13 tuổi - thời kỳ thay đổi giọng nói, Trạch Thụy lại chỉ nói được vài từ như "ba, mẹ" và giọng nói của cậu cũng rất nhỏ. Vì vậy, cô Mai đã mời một giáo viên thanh nhạc để tập cho con biết nói qua những bài hát trong suốt 2 năm. Bên cạnh đó, cô Mai còn đưa con đi học gõ trống, đàn guitar và một số nhạc cụ khác.
Hy vọng con trai có nhiều tài lẻ để có thể tự nuôi sống mình
Hiện nay, xã hội đang dần mở lòng hơn với cộng đồng những người mắc bệnh tự kỷ và ngày càng có nhiều người quan tâm đến họ. Cô Mai cho biết khi con trai cô được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, giống như những bà mẹ khác, cô luôn muốn thay đổi con mình, thậm chí luôn muốn chữa khỏi bệnh cho con bằng mọi cách.
Vào thời điểm đó, cô muốn con trai trở thành người mà bản thân luôn kỳ vọng. Nhưng sau đó cô nhận ra, nếu làm vậy thì sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng cho con trai mình. Cô Mai muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ khác rằng, đừng cố gắng thay đổi con mình mà hãy học cách chấp nhận chúng, bởi lẽ trẻ tự kỷ chỉ thể hiện và hành động chậm chạp hơn những đứa trẻ khác mà thôi.
"Khi dạy dỗ những đứa trẻ bị tự kỷ thì cần phải nói đi nói lại rất nhiều lần; nếu dạy chúng viết chữ, trong khi những đứa trẻ khác có thể viết được ngay thì trẻ bị tự kỷ sẽ cần phải học đi học lại, nhưng dù gì thì đó vẫn là con của tôi", cô chia sẻ. Nói cách khác, cha mẹ cần chấp nhận khuyết điểm của con mình, có như vậy thì chúng mới có thể lớn lên một cách khỏe mạnh.
Cô Mai luôn nuôi dạy con trai mình như một đứa trẻ bình thường, sẽ không vì những hành động kỳ lạ của cậu mà ngại không dám ra khỏi nhà cùng cậu.
Nếu con trai cô làm sai điều gì, cô sẽ bình tĩnh giải thích và xin lỗi và cô cũng chưa từng che giấu việc cậu ấy là một người mắc bệnh tự kỷ. Theo cô, chỉ khi bản thân mình chấp nhận con thì xã hội mới có thể chấp nhận nó.
Người xưa có câu: "Phụ mẫu chi ái tử, tắc vi chi kế thâm viễn" (Tạm dịch: Cha mẹ yêu thương con, sẽ vì con mà suy xét và tính toán lâu dài). Cô Mai luôn cố gắng để con trai học được càng nhiều môn năng khiếu càng tốt, bởi lẽ cô mong rằng sau khi vợ chồng cô qua đời thì cậu con trai của cô có thể dùng khả năng của mình để tự nuôi sống bản thân.