Nhiều phương pháp trị liệu trẻ tự kỷ ở Việt Nam bị thổi phồng hiệu quả
Theo chuyên gia, có nhiều phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ không còn hiệu quả, thậm chí không còn được dùng ở nước ngoài nhưng lại bị đánh bóng, thổi phồng hiệu quả khi đưa vào áp dụng ở Việt Nam.
Thông tin trên được ông Phan Thế Hải, Phó Trưởng Văn phòng Đại diện tại TPHCM, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết khi báo cáo kết quả 6 tháng hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 của chi hội Trường chuyên biệt Thành Nhân (TPHCM).
Theo báo cáo, lĩnh vực giáo dục đặc biệt còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam. Đặc thù công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt cần tiếp xúc trực tiếp ở cự ly gần, tuy nhiên vì dịch Covid-19 khiến cho việc trị liệu bị gián đoạn.
Điển hình là trường hợp của bé N.M. Cha mẹ là bác sĩ, bé được phát hiện bất thường và đưa đi can thiệp rất sớm. Ban ngày bé được can thiệp tại trung tâm, đến tối lại tiếp tục được cha mẹ hỗ trợ, nên đến khi 5 tuổi đã tiến bộ rất nhiều. Tuy nhiên khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, vì cha mẹ bé phải tham gia chống dịch dài ngày, trong khi trường học đóng cửa, M. được gửi về quê với ông bà ngoại.
Hậu quả là khi hết giãn cách, tình trạng của bé bị thoái lui rất nhiều. Bé không còn nói được câu dài mà giao tiếp rất cộc lốc, cáu kỉnh, la khóc khi không vừa ý. Ngoài ra, dù bé có khả năng tiếp thu chương trình lớp 1 nhưng lại không chịu tham gia học. Mỗi lần đến trường là bé chạy lòng vòng, tự ý chạy ra ngoài, vào nhà vệ sinh nghịch nước. Để đảm bảo an toàn cho con, cha mẹ bé đành bảo lưu kết quả học cho con để tập trung can thiệp đặc biệt.
Ông Hải nhận định, ngoài dịch bệnh, việc nhận thức của xã hội về việc can thiệp sớm cho trẻ còn hạn chế cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả điều trị. Đặc thù trị liệu đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt đòi hỏi sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện, khách quan. Trên cơ sở đó, việc áp dụng các phương pháp trị liệu cũng cần toàn diện, phù hợp cho từng trẻ.
Tuy nhiên, có một thực tế đang xảy ra là nhiều phương pháp không còn được dùng ở nước ngoài vì không có hiệu quả hoặc phản tác dụng, nhưng khi du nhập vào Việt Nam lại được đánh bóng, thổi phồng hiệu quả. Việc này phần nào làm cho việc can thiệp cho trẻ đi sai hướng, thiếu khách quan và phiến diện khiến mất cơ hội phát triển của trẻ.
Người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chuyên biệt dẫn chứng, như phương pháp Small step (từng bước nhỏ) bản chất là dành cho trẻ bệnh Down, khuyết tật trí tuệ nhưng hiện tại ở một số nơi lại áp dụng cho trẻ tự kỷ là không phù hợp. Còn Floortime (can thiệp dựa trên mốc phát triển và theo mô hình quan hệ, khác biệt của từng cá thể) là phương pháp chưa được kiểm chứng nhưng về Việt Nam đã được khuếch đại quá mức so với công năng thực sự…
Từ thực trạng trên, ông Phan Thế Hải cho rằng rất cần chuẩn hóa quy trình trị liệu hiện tại. Trẻ tự kỷ, trẻ có nhu cầu đặc biệt khi đủ tuổi cần sớm được học hòa nhập vào lớp 1 . Ngoài ra, các cơ sở giáo dục chuyên biệt cần tiến hành mở rộng nghiên cứu, thực nghiệm biện pháp hỗ trợ cho nhóm học sinh khó khăn về việc học.